Huyện đã ban hành Chương trình sản xuất nông sản hàng hóa tập trung giai đoạn 2016 - 2020 và Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, tập trung sản xuất lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, vùng chăn nuôi lợn, thủy cầm, thủy sản (cá lồng) với quy mô tập trung sản xuất hàng hóa nông hộ, gia trại và trang trại; quy hoạch vùng trồng mới chè, mắc-ca, quế. UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trong khối nông nghiệp huyện phối hợp với các xã, thị trấn xây dựng quy hoạch và xác định cây trồng, vật nuôi chủ lực; chuyển một số diện tích đất kém hiệu quả sang thu hút doanh nghiệp đầu tư vào trồng chè, mắc-ca, cao su.
Huyện đẩy mạnh các hình thức đầu tư có sự tham gia của Nhà nước và Nhân dân, đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp nông thôn phục vụ sản xuất. Tập trung vào sửa chữa, nâng cấp, xây mới, kiên cố hóa hệ thống kênh mương thủy lợi, đường nội đồng; nâng tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương toàn huyện đạt 75%. Đồng thời, cử cán bộ huyện, xã tham gia lớp đào tạo, tập huấn về các lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hằng năm, huyện đào tạo nghề cho 750 - 1.000 lao động nông thôn; chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền tập huấn, giao ban khuyến nông cho các trưởng, phó bản, tổ trưởng dân phố.
Anh Nguyễn Văn Thăng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Than Uyên cho biết: “Phòng tập trung thực hiện tốt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp chú trọng phát triển vùng lúa hàng hóa tập trung 1.300ha. Tham mưu UBND huyện tạo cơ chế thúc đẩy và phát triển nhãn hiệu gạo séng cù, nếp tan pỏm theo hướng liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đối với cây chè, phối hợp các địa phương hướng dẫn bà con thâm canh, chăm sóc đảm bảo đúng quy trình diện tích chè đã trồng, thực hiện trồng xen lạc, đậu tương... để nâng cao thu nhập”.
Huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp các địa phương tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào canh tác, sản xuất. Bên cạnh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ về nông nghiệp, huyện khuyến khích người dân đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp; chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi và quy trình, kỹ thuật vào nuôi trồng, chế biến gắn với sản xuất hàng hóa. Đối với cây lúa đã mở rộng cánh đồng sản xuất hàng hóa tập trung với 1.275ha sử dụng một số giống lúa chất lượng cao như: séng cù, J02, Bắc thơm số 7 KBL, hương thơm số 1. Hiện nay, huyện đã xây dựng “Kế hoạch liên kết chuỗi sản xuất gạo séng cù”, trong đó, xây dựng quy hoạch vùng Mường Cang, Hua Nà sẽ thực hiện liên kết với Hợp tác xã xây dựng Thanh Xuân sản xuất 150ha.
Huyện đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với việc hỗ trợ giống, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh đàn vật nuôi. Hiện, tổng đàn gia súc của huyện có 51.754 con, gia cầm 241.000 con. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 36 triệu đồng/người/năm, sản lượng lương thực có hạt đạt 30.780 tấn, sản lượng chè búp tươi ước đạt 501 tấn, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 13,98%.
Từ việc chú trọng khai thác tiềm năng, phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện Than Uyên đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế của cây trồng, vật nuôi; tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.