Đảng bộ xã Mường Cang học Bác trong gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái
Thứ năm - 19/05/2022 22:34
Xã Mường Cang, huyện Than Uyên là vùng đất quần cư lâu đời của đồng bào dân tộc Thái với nhiều nét văn hóa đặc sắc, tiêu biểu. Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Thái luôn được Đảng bộ xã Mường Cang quan tâm chỉ đạo thực hiện. Bằng nhiều cách làm, mô hình hay gắn với việc phục dựng các lễ hội truyền thống, thành lập câu lạc bộ đàn tính-hát then, duy trì hoạt động của đội văn nghệ quần chúng. Góp phần gìn giữ, phát huy, tôn vinh nét đẹp truyền thống văn hóa dân gian dân tộc Thái sống mãi với thời gian.
Nằm trong dòng chảy của văn hóa dân tộc, trên địa bàn xã Mường Cang, huyện Than Uyên lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc vùng miền, đặc biệt là dân tộc Thái; với những điệu khắp, vòng xòe, điệu múa khăn Piêu hay trang phục dân tộc, tạo nên hồn cốt đậm đà sắc thái dân tộc. Mường Cang, nơi được coi là “cái nôi” bảo tồn, gìn giữ văn hóa dân tộc Thái huyện Than Uyên tỉnh Lai Châu. Để gìn giữ nét đẹp truyền thống, đồng thời phát huy được tinh hoa văn hóa Thái gắn với phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh. Ban chấp hành đảng bộ xã Mường Cang đã xây dựng kế hoạch, ban hành nghị quyết trên cơ sở bám sát định hướng của huyện theo Nghị quyết số 02 của Đảng bộ huyện về “Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với du lịch cộng đồng”. Đồng chí Lìm Văn Khơi Phó bí thư-CT UBND xã Mường Cang cho biết: “Xác định công tác bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Thái trên địa bàn là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Đảng bộ xã tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, chỉ đạo các đoàn thể, cán bộ phụ trách văn hóa chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện thực hiện tốt các chỉ tiêu về lĩnh vực văn hóa theo hàng năm;Tham mưu UBND huyện về phục dựng, duy trì các Lễ hội truyền thống, rà soát các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể; Duy trì hoạt động các câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng; Khuyến khích, tạo điều kiện cho những nghệ nhân trong việc truyền dạy chữ viết, nghề truyền thống như làm đàn Tính, dệt vải...
Lễ Hội xòe chiêng dân tộc Thái Từ chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền xã cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân. Trong nhiều năm qua, trên địa bàn có nhiều tổ chức chính trị xã hội và cá nhân tâm huyết đã chung tay gìn giữ, phát huy văn hóa dân tộc Thái. Nơi đây, có những nhà nghiên cứu, nghệ nhân tâm huyết, am hiểu văn hóa dân tộc đã và đang nỗ lực gìn giữ, lưu truyền, đồng thời tham mưu tích cực cho cấp ủy, chính quyền trong công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc dân tộc Thái. Thạc sỹ Đỗ Thị Tấc ở bản Mạ, xã Mường Cang chia sẻ: “Qua hàng chục năm nghiên cứu văn hóa các dân tộc Tây Bắc, trong đó có văn hóa Thái. Đặc trưng nhất của Văn hóa dân tộc Thái đó là văn hóa trang phục (áo cóm), điệu xòe, tính tẩu, văn học dân gian ( ca dao, tục ngữ, …). Mường Cang là địa phương đã làm tốt công tác gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa Thái, là đơn vị có lực lượng là nòng cốt của huyện trong các cuộc thi văn hóa, văn nghệ trong tỉnh cũng như Quốc gia” Câu lạc bộ đàn tính hát then của xã luôn được duy trì với nhiều lớp nghệ nhân, đoàn viên thanh niên tham gia, đây không chỉ là những con người tâm huyết, trách nhiệm, mà còn có khả năng sử dụng, biểu diễn các loại nhạc cụ, trình diễn các làn điệu dân ca, kể các câu truyện cổ của người Thái. Nhiều làn điệu dân ca, điệu múa, nhạc cụ truyền thống của dân tộc Thái được các thành viên sưu tầm, phục dựng, biểu diễn... Ngoài ra, CLB cũng chú trọng bảo tồn và phát huy các nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, với nhiều sản phẩm đẹp, tốt phục vụ cuộc sống hàng ngày và bán ra thị trường, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống về vật chất của người dân, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Trong nhiều năm qua, việc tạo điều kiện cho những nghệ nhân, người có uy tín trong công tác lưu giữ, truyền dạy chữ Thái cổ, phục dựng các Lễ hội truyền thống như: Lễ hội Lùng Tùng, Xòe Chiêng.. cũng được Đảng bộ, chính quyền xã quan thực hiện. Điển hình như ông Lò Văn Sơi, ông Lò Thanh Thạng ở xã Mường Cang và một số người cao tuổi, uy tín ở trong xã là những người đã có nhiều năm nghiên cứu, lưu giữ, truyền dạy chữ Thái cổ cho các thế hệ con cháu trong bản, trong xã với mục đích gìn giữ một di sản văn hóa của ông cha để lại. Ông Lò Văn Sơi chia sẻ: “Tôi được học chữ Thái từ bố và thầy từ khi lên gần 10 tuổi và qua nhiều năm tự học tập và tìm hiểu, sưu tầm tài liệu nghiên cứu, về cơ bản đã thông thạo chữ viết của dân tộc Thái. Năm 2007 được sự quan tâm của huyện và xã, tôi và một số người được tham gia Hội Thái học Việt Nam. Bản thân tôi rất tự hào về việc biết và hiểu chữ viết của dân tộc mình. Qua nhiều năm, cùng sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, tôi đã mở lớp dạy chữ cho nhiều thế hệ các con, cháu, những bạn trẻ đam mê chữ dân tộc Thái. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục làm tốt công việc truyền dạy chữ viết dân tộc Thái, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình” Cùng với sự phát triển của nền văn hóa văn minh, văn hóa dân tộc Thái huyện Than Uyên vẫn hàng ngày hiện hữu, gắn bó trong lao động, sản xuất, trong mọi mặt của đời sống của đồng bào. Bằng những giải pháp sát thực trong lãnh, chỉ đạo của cấp Ủy, chính quyền; sự chung tay của các tổ chức, cá nhân. Với tình yêu, tinh thần trách nhiệm của các nghệ nhân và nhân dân các dân tộc trong xã; bằng những cách làm hay, mô hình sáng tạo trong giữ gìn, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc Thái sẽ là mạch nguồn tiếp nối cho các thế hệ để văn hóa dân tộc Thái xã Mường Cang, huyện Than Uyên viết nên những khúc tráng ca sống mãi với thời gian./.