Hiện nay, toàn xã Tà Mung có 1.180 con trâu, 580 con bò, trên 3.400 con lợn. Để phòng chống rét cho đàn vật nuôi, ngoài việc thực hiện tốt việc tiêm phòng dịch bệnh định kỳ hàng năm, xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân dự trữ rơm rạ sau khi thu hoạch lúa mùa và chủ động chăm sóc diện tích cỏ voi đã trồng. Đưa gia súc từ trang trại trên núi cao về vùng thấp, đồng thời không thả giông ra súc trong những ngày rét đậm, rét hại.
Anh Hoàng Văn Thiết-Chủ tịch UBND xã Tà Mung cho biết: “Là xã vùng cao của huyện Than Uyên. Mùa đông ở xã Tà Mung luôn khắc nghiệt hơn các xã khác bởi thường xuyên có gió và sương mù bào phủ gần như cả ngày. Địa bàn rộng, các hộ không tập trung, nhận thức của nhân dân không đồng đều, việc chăn thả gia súc thường ở các lán, trại trên vùng núi cao nên việc chỉ đạo phòng chống rét của xã gặp không ít khó khăn. Do đó, trong những năm qua, công tác phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi luôn được cấp ủy, chính quyền xã đặc biệt quan tâm”.
Nhân dân chủ động các biện pháp phòng chống rét cho gia súc
Xã phối hợp với các cơ quan trong khối nông nghiệp của huyện cử cán bộ xuống từng thôn bản kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng chống rét và cách chăm sóc nâng cao sức đề kháng cho đàn gia súc. Chuẩn bị đầy đủ nguồn thức ăn tinh như ngô, cám gạo, sắn... và tiến hành sửa chữa, gia cố chuồng trại, mua bạt, nilon, tận dụng bao bì, thậm chí là chiếu để che chắn, đảm bảo không để gió lùa, mưa hắt gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trâu bò. Cùng với đó, xã cử cán bộ thú y thường xuyên theo dõi, kiểm tra, nhắc nhở và hướng dẫn nhân dân dùng thuốc khi trâu bò có dấu hiệu bị bệnh. Đảm bảo sức khỏe cho đàn gia súc trong mùa đông.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy chính quyền địa phương cùng sự chủ động của nhân dân trong triển khai các giải pháp phòng chống đói rét, dịch bệnh cho đàn gia súc. Đến thời điểm này trên địa bàn xã Tà Mung chưa có gia súc bị chết vì rét. Đây là cơ sở để tin rằng mùa đông năm nay, xã Tà Mung sẽ bảo vệ tốt " đầu cơ nghiệp", từ đó đảm bảo tốc độ tăng đàn ở địa phương./.