Chúng tôi đến Trung tâm Y tế huyện - một trong những đơn vị điển hình về kiểm soát, xử lý các chất thải y tế ra môi trường. Được biết, trung bình một ngày trung tâm có khoảng 300 bệnh nhân đến khám; điều trị nội trú dao động từ 230 - 240 bệnh nhân. Mặc dù, bệnh nhân đến khám và điều trị đông, nhưng theo quan sát của chúng tôi tại khuôn viên trung tâm hay các khoa, phòng đều được vệ sinh rất sạch sẽ.
Dược sỹ Vũ Văn Chiến - Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Trung tâm Y tế huyện Than Uyên) tâm sự: Lượng rác thải sinh hoạt phát sinh của đơn vị trung bình có khoảng 210kg/ngày; lượng rác thải y tế nguy hại phát sinh trung bình khoảng 50kg/ngày và một lượng lớn nước thải từ các phòng mổ, phòng thủ thuật, các khu vệ sinh được thải ra môi trường. Do đó, đơn vị đã được đầu tư 1 lò đốt rác y tế công nghệ nhiệt phân khí hóa, công suất 25kg/giờ và hệ thống xử lý rác thải bằng công nghệ hấp cắt tiệt trùng, công suất 30kg/mẻ để xử lý rác thải y tế nguy hại. Ngoài ra, còn được đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế bằng hệ thống hợp khối công nghệ AAO của Nhật Bản với công suất 50m3/ngày, đêm. Riêng các loại chất thải như: chai, lọ thủy tinh (vỏ lọ kháng sinh, dịch truyền sau khi sử dụng) được trung tâm đầu tư máy nghiền và tận dụng làm các công trình xây dựng tại trung tâm như: đổ bê-tông, đóng gạch làm tường bao hay xây bồn hoa. Chất thải rắn thông thường hằng năm, trung tâm ký hợp đồng với Hợp tác xã Phương Nhung (thị trấn Than Uyên) thu gom và xử lý theo quy định. Vì vậy, nhiều năm liền trung tâm đều đạt các tiêu chuẩn về môi trường cho phép.
Theo thống kê của Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện, tổng số rác thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn từ đầu năm đến nay là 8.498,7 tấn. Trong đó, rác thải sinh hoạt ở nông thôn 5.470,7 tấn, rác thải sinh hoạt ở đô thị là 3.027,99 tấn. Hiện nay, phòng đã ký hợp đồng với một đơn vị thu gom và xử lý toàn bộ lượng rác thải tại khu vực thị trấn. Riêng chất thải nông thôn được UBND các xã thuê tổ, đội thu gom và xử lý thông thường bằng phương pháp thủ công như: chôn lấp, đốt và tái sử dụng hay thu gom chai nhựa, phế thải bán cho người thu mua phế liệu. Đặc biệt, một số xã dọc dọc quốc lộ 32 như: Mường Than, Phúc Than, Mường Cang, Hua Nà, rác thải được UBND xã thuê cá nhân thu gom tại các điểm bản ra khu tập kết theo quy định, sau đó có một đơn vị được thuê vận chuyển đến bãi rác thải sinh hoạt tập trung để xử lý. Do vậy, việc thu gom chất thải hàng ngày trên địa bàn huyện luôn đảm bảo, không gây ùn ứ mất vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Rác thải y tế được Trung tâm Y tế huyện Than Uyên xử lý bằng lò đốt rác công nghệ nhiệt phân khí hóa.
Được biết, các ban, ngành, đoàn thể, xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường. Tiêu biểu là Huyện đoàn thường xuyên tổ chức cho đoàn viên, thanh niên phát quang bụi rậm, khơi thông cống, mương, quét dọn, thu gom xử lý rác thải; trồng cây xanh. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện có nhiều mô hình hay trong bảo vệ môi trường như: xử lý, thu gom rác thải, khơi thông cống rãnh; thành lập mô hình: “Đoạn đường xanh, sạch, đẹp”, “Tổ phụ nữ thu gom và phân loại rác”...
Huyện hội còn tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ đi chợ không sử dụng túi nilon để đựng thực phẩm. Hướng dẫn, vận động các cấp hội trồng mới nhiều cây xanh phủ xanh đất trống, đồi trọc, trồng con đường hoa. Cùng với đó, xây dựng mô hình “Làm gạch sinh thái từ rác thải nhựa” để xây dựng tường bao, ghế ngồi bằng vật liệu nhựa tái chế hay làm thành những lọ hoa để bàn xinh xắn và thân thiện với môi trường.
Chị Nguyễn Thị Việt Hà - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện chia sẻ: “Có được kết quả đó, Hội LHPN các cấp tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của hội viên, phụ nữ và người dân. Đồng thời, cụ thể hóa bằng những hoạt động, mô hình phù hợp, thu hút hội viên tham gia. Đến nay, toàn huyện có 58 câu lạc bộ “Vệ sinh môi trường”, 1 mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”, 1 mô hình “3 sạch” ở các xã, thị trấn do phụ nữ duy trì và phát huy hiệu quả”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trên thực tế việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, việc vận chuyển rác thải theo cách thủ công do nguồn vốn đầu tư của huyện hạn hẹp nên chưa xây dựng nhà máy xử lý rác theo công nghệ tiến tiến. Ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân có thời điểm còn thấp; công tác xã hội hóa các nguồn lực để thu gom, xử lý rác chưa có.
Để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường và thu gom, xử lý các loại chất thải trên địa bàn huyện, với chức năng là cơ quan chuyên môn, thời gian tới, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tiếp tục tham mưu UBND huyện một số giải pháp: hướng dẫn các doanh nghiệp và người dân phân loại, tái sử dụng, tái chế một số rác thải thành những sản phẩm có thể sử dụng. Rà soát quỹ đất đưa vào quy hoạch sử dụng đất để bố trí quỹ đất dùng cho xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn theo cụm xã. Đề xuất quy hoạch các vị trí xây dựng bãi xử lý rác thải rắn công nghiệp thông thường, vật liệu xây dựng huyện Than Uyên với diện tích quy hoạch khoảng 3,5ha và đầu tư nâng cấp bãi rác sinh hoạt trên địa bàn huyện. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định bảo vệ môi trường tại doanh nghiệp, hợp tác xã. Đặc biệt xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh, sản xuất không xử lý chất thải và làm phát tán chất thải ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Tác giả: thanuyen
Nguồn tin: Báo Lai Châu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn