Không giấu nổi niềm vui khi dẫn chúng tôi đi xem những cánh rừng đang từng ngày phủ xanh các ngọn núi. Ông Vũ Văn Nội - Chủ tịch UBND xã Pha Mu chỉ tay về phía những cánh rừng xa: “Đó là những cánh rừng phòng hộ, rừng sản xuất của xã, tuy ở cách xa nhưng đều đã có chủ rừng rồi, mỗi gia đình được giao khoanh nuôi và bảo vệ vài ha. Nhờ giữ rừng tốt mà mùa khô hanh nước vẫn đủ để phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp toàn xã, diện tích lúa nước nhờ đó mỗi năm ngày càng được mở rộng ra, sản lượng lúa năm sau cao hơn năm trước. Rừng xanh tốt còn giúp điều hòa khí hậu trong lành, chất lượng môi trường sinh thái nơi đây ngày càng được nâng lên”.
Nhắc lại chuyện trước đây, khi nhiều người dân chưa hiểu rõ về lợi ích của việc giữ rừng mang lại nên đã lấy đất lâm nghiệp làm đất sản xuất, đốt nương làm rẫy, nghiêm trọng hơn có hộ còn khai thác lâm sản, động vật hoang dã vì thế rừng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, từ khi có chính sách DVMTR cũng như được cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền nên bà con đã vỡ lẽ việc giữ rừng được hưởng rất nhiều lợi ích. Trong đó có tiền dịch vụ môi trường rừng hằng năm mà các nhà máy thủy điện chi trả, cải tạo môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn nước, phòng chống thiên tai…
Chỉ trong 5 năm trở lại đây những cánh rừng được phục hồi xanh tốt, việc đốt nương trồng cây nông nghiệp đã dừng hẳn, việc khai thác gỗ được kiểm soát chặt chẽ hơn; thay vào đó, bà con tích cực tham gia trồng rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Tại các bản, các khu rừng được khoanh nuôi và bảo vệ, xã đã cho cắm các biển báo cấm chặt phá rừng, các biển báo cấp độ cháy rừng để người dân biết và thực hiện theo. Trong các buổi họp dân, các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ đã đi đầu trong việc ký cam kết không chặt phá rừng, sau đó các hộ cùng cam kết. Việc khoanh nuôi, bảo vệ còn được các bản thành lập Tổ chuyên trách quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; đưa vào xây dựng hương ước, quy ước nếu ai vi phạm sẽ bị phạt theo hương ước mà bản đã đưa ra. Đây còn là một trong những tiêu chí để bình xét thi đua gia đình văn hoá.
Ông Lò Văn Chựa, bản Pá Khôm, xã Pha Mu tâm sự: “Bản có 52 hộ khoanh nuôi, bảo vệ 941,82ha rừng, số tiền chi trả DVMTR năm 2020 là 1 tỷ 026 triệu đồng. Được cán bộ xã xuống tuyên truyền, bà con trong bản đã nâng cao nhận thức lợi ích rừng mang lại và cùng đoàn kết bảo vệ , không đốt nương bừa bãi. Ngoài diện tích rừng chung cả bản chăm sóc, một số diện tích rừng phòng hộ thì giao từng hộ chăm sóc, bảo vệ. Từ việc khoanh nuôi bảo vệ rừng, người dân có thêm tiền đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất, hỗ trợ cho con cái học hành. Nhờ đó, Huổi Bắc đã không còn hộ đói, hộ nghèo đã giảm đáng kể”.
Nhân dân bản Huổi Bắc, xã Pha Mu (huyện Than Uyên) phát dọn thực bì phòng cháy chữa cháy rừng.
Xã Pha Mu có 4,532.56ha rừng, trong đó, rừng tự nhiên 4.191,48ha, rừng trồng: 196,63ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 36,71%. Để giữ rừng, cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật lâm nghiệp nhất là nội dung liên quan đến công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Xây dựng phong trào quần chúng trong công tác khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ, phòng cháy rừng gắn với chính sách chi trả DVMTR để người dân hưởng lợi, có thêm thu nhập. Xã kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững và thành lập các Tổ chuyên trách quản lý bảo vệ rừng, PCCCR ở các bản; xây dựng phương án phòng cháy rừng, lịch trực 24/24 giờ trong những thời điểm khô hanh. Đẩy mạnh phổ biến đến người dân ký cam kết thực hiện nghiêm luật bảo vệ rừng, PCCCR.
Ngoài ra, Tổ chuyên trách tại các bản xây dựng lịch tuần tra, canh gác tại các cánh rừng. Tuyên truyền tới người dân về tác dụng to lớn của rừng trong đời sống xã hội và tác hại khi xảy ra cháy rừng. Phối hợp với các bản giáp ranh ở địa phương khác tăng cường phối hợp trong bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là công tác chữa cháy rừng khi có đám cháy xảy ra. Phổ biến giúp bà con hiểu đúng và thực hiện mục đích của công tác chi trả tiền DVMTR, đồng thời sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.
Năm 2020, tổng diện tích rừng nghiệm thu và thanh toán chi trả DVMTR toàn xã là 3.639,62ha.(rừng phòng hộ 959,01ha, rừng sản xuất 2680,61ha). Tổng số tiền chi trả là 3 tỷ 985 triệu đồng số tiền bình quân từ 20-23 triệu đồng/hộ; trong đó bản: Pá Khoang 833,63ha (số tiền 892,367 triệu đồng), Pu Cay 537,1ha (số tiền 585,513 triệu đồng), Chít 553,5ha (số tiền 621,322 triệu đồng), Huổi Bắc 773,53ha (số tiền 859,777 triệu đồng), Pá Khôm 941,82ha (số tiền 1 tỷ 026 triệu đồng).
Với sự vào cuộc tích cực của Đảng bộ, chính quyền xã Pha Mu và chính sách chi trả DVMTR đã tác động tích cực về mặt kinh tế, xã hội đặc biệt là nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân. Góp phần nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào các dân tộc địa phương, giúp cải thiện môi trường sinh thái, giảm thiểu biến đổi khí hậu.