Hội thảo tổng kết “các tiểu dự án cộng đồng do các nhóm dân tộc thiểu số (dân tộc Mông và Thái) tự quản nhằm cải thiện điều kiện sống”
Thứ hai - 23/12/2024 21:07
Quang cảnh Hội thảo
Ngày 21/12, UBND huyện Than Uyên phối hợp với Trung tâm hỗ trợ phát triển vì phụ nữ và trẻ em tổ chức Hội thảo tổng kết “các tiểu dự án cộng đồng do các nhóm dân tộc thiểu số (dân tộc Mông và Thái) tự quản nhằm cải thiện điều kiện sống”. Dự Hội thảo có đại diện Trung tâm hỗ trợ phát triển vì phụ nữ và trẻ em, lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện; thành viên Ban quản lý dự án của huyện; lãnh đạo UBND, đại diện nhóm nòng cốt 4 bản được thụ hưởng dự án của 2 xã Mường Kim và Pha Mu.
Tại hội thảo, các đại biểu đều nhất trí đánh giá, qua hơn 3 năm triển khai, các tiểu dự án cộng đồng do các nhóm dân tộc thiểu số (dân tộc Mông và Thái) tự quản do tổ chức INKOTA tài trợ đã được triển khai đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Các tiểu dự án đã góp phần không nhỏ góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của Nhân dân bản Huổi Bắc, bản Pá Khôm xã Pha Mu; bản Hàng, bản Thẩm Phé, xã Mường Kim.
Trong quá trình triển khai, Dự án chú trọng hoạt động xây dựng năng lực cho nhóm thành viên nòng cốt. Đến nay, Dự án đã thực hiện hoàn thành 26 tiểu dự án. Trong đó 19 tiểu dự án cơ sở hạ tầng và 7 tiểu dự án mô hình sản xuất với tổng nguồn vốn trên 03 tỷ đồng ( Tổ chức INKOTA hỗ trợ gần 1,2 tỷ đồng, huyện Than Uyên đối ứng trên 798 triệu đồng, người dân 4 bản đóng góp bằng ngày công, hiện vật và tiền mặt trên 1,1 tỷ đồng).
Đã thực hiện bê tông hoá 740m đường dân sinh, đường vào khu sản xuất; mở rộng đường sản xuất 576m, 1.049m mương thoát nước sinh hoạt. Hoàn thành 600m đường điện sinh hoạt, 5 hệ thống chiếu sáng năng lượng mặt trời với 179 bóng điện, 3 công trình nước sinh hoạt chiều dài đường ống 10.460m. Tu sửa 01 nhà học tạm thành nhà văn hóa với diện tích 105m2... Bên cạnh đó, khi tham gia các dự án hỗ trợ sản xuất, các nhóm nông dân sở thích đã được tiếp cận với những phương pháp mới thay thế cho phương thức sản xuất truyền thống, kém hiệu quả ở địa phương. Các mô hình đều hướng đến phương thức sản xuất an toàn sinh học, thân thiện mới môi trường. Người dân được tham gia và chuyển giao công nghệ, nắm bắt được phương pháp xây dựng thương hiệu và bán hàng, lập kế hoạch và mở rộng mô hình, từ đó từng bước nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống. Đến nay, Mô hình trồng dưa bản Thẩm Phé và bản Hàng có 36 hộ dân tham gia, tổng diện tích sản xuất là 47.200m2 cho tổng sản lượng thu hoạch 78,82 tấn dưa hấu, bán với giá 12.000đ/1kg. Trong quá trình sản xuất các nhóm đã ủ trên 90 tạ phân xanh và phân chuồng, trên 1.100 lít thuốc trừ sâu thảo mộc, gần 5.200 lít phân vi sinh bản địa; mô hình nuôi trâu bò vỗ béo bản Pá Khôm với 10 hộ dân tham gia, tổng số con trâu, bò ban đầu được vỗ béo là 24 con (4 con trâu, 20 con bò), các hộ đã tự ủ cám trong quá trình chăn nuôi là 5,2 tấn. Đã bán được 09 con bò, 01 con trâu với giá từ 15.000.000 đồng/con đến 18.000.000 đồng/con; Mô hình nuôi gà đen bản địa bản Huổi Bắc với 11 hộ dân tham gia, số lượng gà hiện tại là 588 con, trong quá trình chăn nuôi đã áp dụng phương pháp tự phối trộn 2,3 tấn thức ăn cho đàn gà, 300 quả trứng được ấp, đã bán được 300 con, trung bình mỗi con 2kg đến 2,3kg với giá 150,000 đồng/1kg; Mô hình trồng rau với 09 hộ tham gia với diện tích 2000m2 đã cho thu hoạch 1.160kg với giá bán trung bình 13.000đ/1kg. Qua thực hiện các tiểu dự án đã có gần 1.500 người dân được cải thiện đời sống. Kỹ năng thảo luận nhóm, lập kế hoạch và thực hiện công việc của người dân cũng được nâng lên.
Tại hội thảo, lãnh đạo UBND xã Pha Mu, Mường Kim, đại diện nhóm nòng cốt đã chia sẻ kết quả, kinh nghiệm và hiệu quả các tiểu dự án mang lại. Đồng thời, bày tỏ mong muốn nhà tài trợ INKOTA, Trung tâm hỗ trợ phát triển vì phụ nữ và trẻ em tiếp tục phối hợp triển khai các dự án khác trên địa bàn. Góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc còn khó khăn tại huyện Than Uyên./.
Tác giả: Nguyễn Mạnh Cường: Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông