Trong chuyến công tác tại xã Nậm Hàng, chúng tôi được giới thiệu tới thăm quan mô hình kinh tế của gia đình ông Lò Văn Thân. Nằm tách biệt với khu vực chăn nuôi, sản xuất của nhiều hộ trong bản, trang trại chăn nuôi của gia đình ông Thân có quy mô hơn 3ha; khu vực chuồng trại được bố trí khoa học với các khu để nuôi bò, lợn, các loại gia cầm và trồng cỏ. Khi biết chúng tôi đến tìm hiểu và viết bài về tấm gương lao động, sản xuất giỏi, ông Thân khiêm tốn: “So với nhiều hộ khác trong bản, xã, mình vẫn còn phải học hỏi nhiều”.
Trong câu chuyện với ông, chúng tôi được biết, trước đây cuộc sống của gia đình ông cũng như bao hộ dân trong bản chỉ dựa vào mấy sào ruộng, thêm công việc đánh bắt tôm cá, cũng chỉ đủ lo cho cuộc sống hàng ngày chứ không dư được là bao. Bước ngoặt làm thay đổi cuộc sống của gia đình ông bắt đầu từ năm 2017, khi được Hội Nông dân xã ủy thác tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển kinh tế. Có vốn, ngoài số trâu của gia đình có, ông mua thêm 2 con bò giống, đồng thời quy hoạch diện tích sản xuất, khoanh vùng chăn thả để xây dựng mô hình kinh tế theo hướng trang trại chăn nuôi. Động viên các thành viên trong gia đình cố gắng lao động, sản xuất để vươn lên làm giàu.
Ông Thân chăm sóc đàn bò.
Khi mới bắt tay vào phát triển chăn nuôi, gia đình ông cũng gặp không ít khó khăn; thiếu kiến thức, chưa có kinh nghiệm trong chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh nên đàn vật nuôi phát triển chậm. Ông Thân chia sẻ: “Hồi ấy tôi cũng chỉ dựa vào kinh nghiệm chăn nuôi từ trước nên chủ yếu vẫn là thả rông. Qua tìm hiểu và tham khảo kinh nghiệm của các hộ chăn nuôi hiệu quả, tôi nhận thấy mình chưa chủ động trong các khâu như chăm sóc, phòng chống dịch bệnh nên mới dẫn đến thực trạng như vậy”.
Để có thêm kinh nghiệm, ngoài học hỏi các hộ gia đình có mô hình chăn nuôi hiệu quả trên địa bàn, ông đăng ký tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trong chăn nuôi để có thêm kiến thức áp dụng vào mô hình của gia đình. Ngoài thức ăn tự nhiên, ông trồng thêm cỏ và tận dụng phụ phẩm từ nông nghiệp như: rơm, thân cây ngô… để dự trữ thức ăn cho gia súc.
Dù khu vực chăn nuôi của gia đình ông nằm tách biệt với khu vực sản xuất, chăn nuôi của nhiều hộ dân trong bản, xã, hầu như ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trong chăn nuôi cũng như chủ động trong khâu phòng, chống dịch bệnh, gia đình ông tuân thủ nghiêm ngặt công tác tiêm phòng vắc-xin; xây dựng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát đảm bảo cho sự phát triển của vật nuôi.
Nhờ thực hiện tốt các khâu từ chăm sóc, chủ động nguồn thức ăn đến phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, đến nay, gia đình ông có 20 con trâu, bò; 2 con lợn nái (mỗi lần xuất bán 6 - 8 con lợn thương phẩm) và hơn 100 con gia cầm các loại. Mô hình chăn nuôi này mỗi năm đem lại cho gia đình ông thu nhập 120 triệu đồng. Từ sản xuất nông nghiệp chỉ đủ để phục vụ nhu cầu cuộc sống, đến nay, gia đình ông đã trở thành hộ khá nhờ chăn nuôi.
Anh Đinh Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Hàng cho biết: “Sự thành công của các mô hình kinh tế hộ trên địa bàn, trong đó có gia đình ông Thân đã góp phần vào công tác giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương. Đây còn là động lực để các hộ nông dân trên địa bàn học hỏi và không ngừng nỗ lực, phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế”.