Đồng bào dân tộc Mông xã Tà Mung giữ gìn nghệ thuật vẽ hoa văn trên vải bằng sáp ong
Chủ nhật - 13/09/2020 21:16
Ngày nay, Khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, kéo theo đó là những sản phẩm dệt may như: quần áo, vải vóc…ra đời với đa dạng mẫu mã, phong phú về chủng loại, hấp dẫn mắt người xem. Thế nhưng, ở những xã vùng cao của huyện Than Uyên, đồng bào người dân tộc Mông vẫn giữ gìn và phát huy tinh hoa nghệ thuật vẽ hoa văn lên vải bằng sáp ong để tạo ra những bộ quần áo truyền thống đơn giản mà đẹp, tinh tế và ý nghĩa vô cùng. Hoa văn trong trang phục truyền thống của người Mông thường có ở 2 bên cánh tay áo và thân váy. Những hoa văn này rất đơn giản, đó là khung hình vuông, hình chữ nhật, trong đó là các dấu chữ thập, dấu sắc, huyền được kẻ đối xứng với nhau. Trước khi vẽ, người phụ nữ Mông đặt tấm vải thô trắng lên tấm gỗ bằng phẳng, nhẵn, rồi kẻ đường nét cơ bản bằng bút chì. Sau đó dùng bút vẽ được thiết kế bởi một thanh tre và hai lá đồng có khe ở giữa để vẽ. Đặc biệt, khi vẽ hoa văn, người phụ nữ luôn phải ngồi bên bếp lửa, chấm bút vào bát sáp ong nóng đặt trên than hồng; điều chỉnh lượng sáp ong vừa đủ, đưa lên miệng thổi nhẹ để sáp ong được dẻo hơn; từ đó tạo độ nét mịn, đều cho mỗi hoa văn. Vẽ đến đâu, sẽ quấn vải lại đến đó.
Chị Sùng Thị Dỉnh- bản nậm Pắt, xã Tà Mung chia sẻ: Người Mông chúng tôi dùng sáp ong để vẽ hoa văn trên váy áo là vì sau khi tấm vải được vẽ xong, sẽ đem đi nhuộm chàm. Những chỗ có sáp ong, nước chàm sẽ không thấm vào được, tạo nên các hoa văn nổi có màu trắng xanh hoặc nâu. Còn chỗ nào không có sáp ong thì nhuộm thành màu chàm. Để có được hoa văn nổi đẹp trên váy, thì khâu làm sáp ong rất quan trọng, đòi hỏi sự kiên trì của mỗi người. Với cách làm truyền thống của gia đình tôi, sáp ong khi lấy từ trên rừng về sẽ được bóp hết mật, rồi đem đi rửa nước thật sạch, khi nào không còn độ sính ở sáp thì thôi. Sau đó, cho sáp ong sạch vào nồi nước sôi, đun lên một lúc, cho ra túi vải sạch, bóp hết nước nóng. Khâu tiếp là dùng chiếc kẹp tre kéo túi vải liên tục đến khi nào có những giọt đọng trên kẹp tre, nhỏ xuống chậu nước lạnh chuẩn bị sẵn, tạo thành chất dẻo dính mà chúng tôi hay gọi là “cao sáp ong”. Cuối cùng là đem cao phơi ráo nước, sau đó đun sôi lên một lần nữa để nước còn sót lại ở cao sẽ bay hơi hết và đổ cao vào ống tre để tạo khuôn đẹp, giữ được lâu. Cao sáp ong chuẩn, đẹp sẽ có màu vàng ánh, trong. Khi dùng thì đem thái nhỏ vào bát, đặt lên than nóng cao sẽ tự tan chảy ra. Có trải nghiệm, mới thấy được sự tỉ mỉ, khéo léo của đôi bàn tay, trí tưởng tưởng, đầy sáng tạo của người phụ nữ Mông. Từ những dấu huyền, dấu thập đơn giản, họ sáng tạo ra đường nét hoa văn tinh tế với độ tinh xảo cao, các hình bông hoa 4 cánh, 5 cánh đẹp mắt, đối xứng nhau, rất cân đối, hài hòa - đó là cả một nghệ thuật. Em Lý Thị Vang 17 tuổi ở xã Tà Mung phấn khởi: Mỗi khi diện bộ trang phục của dân tộc mình trong các dịp ngày kỷ niệm, khai giảng ở trường, em thấy vui và tự hào lắm. Khi em hơn 10 tuổi, thấy mẹ hay vẽ em cũng học theo, đến bây giờ tranh thủ ngày nghỉ về nhà, em vẫn thường giúp mẹ vẽ hoa văn lên vải bằng sáp ong. Đó là công việc mà em rất yêu thích. Một năm, làm nhanh thì em và mẹ làm được 2 tấm vải để may áo váy mới. Được biết, nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải của người Mông thể hiện ước mong của đồng bào về sự ấm no, hạnh phúc. Hy vọng, trong xã hội hiện đại, với những đổi thay, tân tiến của nền khoa học kỹ thuật; sự giao thoa nền văn hóa của các dân tộc. Với sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, người Mông ở huyện Than Uyên vẫn gìn giữ được nét đẹp, tinh hoa nghệ thuật của cha ông để lại. Qua đó, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc như lời Bác Hồ đã căn dặn.