Chiều cuối đông, cái lạnh giá miền đất gió Than Uyên như lùi nhanh để nhường chỗ cho những tia nắng đầu xuân đậu xuống cùng cỏ cây, đất trời, đánh thức những nụ đào rực hồng khoe sắc. Xuân mới đã về, trong lòng mỗi chúng ta lại tràn ngập niềm vui hân hoan và đón chờ những ước mơ, dự định trong năm tới. Đặt chân đến từ vùng thấp đến vùng cao, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những thay đổi kỳ diệu của vùng đất gió nơi đây. Điện kéo về tận bản, trường học được đầu tư khang trang; những tuyến đường bê tông, đường nhựa phẳng lỳ trải đến ngõ xóm. Nhiều ngôi nhà kiên cố, nhà sàn mọc lên. Xen lẫn là mô hình kinh tế chè chất lượng cao, lúa hàng hóa, chăn nuôi gia súc ngày càng được bà con phát triển nhân rộng.
Rót chén chè nóng và trò chuyện với chúng tôi, vẻ mặt đồng chí Lò Văn Hương - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên luôn rạng rỡ khi chia sẻ về những dấu ấn trong năm qua mà Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân trên địa bàn nỗ lực đạt được. Mà thắng lợi lớn nhất đó là bộ máy lãnh đạo từ huyện đến cơ sở được củng cố kiện toàn, nâng cao vai trò lãnh đạo Nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Nổi bật là thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng, thu ngân sách trên địa bàn đạt 53 tỷ 700 triệu đồng, sản lượng lương thực có hạt đạt 33.741 tấn, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 72,73%... Đây là những tín hiệu đáng mừng đối với huyện còn nhiều khó khăn.
Đồng chí Lò Văn Hương - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: “Năm 2021, cùng với sự tập trung của cả hệ thống chính trị, triển khai đồng bộ các giải pháp về phát triển kinh tế-xã hội đến cuối năm các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nổi bật là thu ngân sách, tổng sản lượng lương thực, trồng chè...Việc đạt được kết quả này trên cơ sở ngay từ đầu năm khi HĐND huyện ban hành Nghị quyết, UBND huyện giao chỉ tiêu đến các cơ quan, đơn vị, địa phương; triển khai đồng bộ các giải pháp. Quá trình thực hiện luôn kiểm tra theo dõi, đôn đốc, các vấn đề phát sinh đều được bàn bạc, giải quyết kịp thời”.
Có được kết quả này, huyện chú trọng nhân rộng các mô hình kinh tế nông-lâm nghiệp, đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi, tuyến đường giao thông, hỗ trợ chuyển giao KHKT, các chính sách của Nhà nước, tỉnh đến với người dân. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chú trọng đưa cây, con giống có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, chăn nuôi. Từng bước chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại, áo dụng công nghệ cao, chăn nuôi an toàn sinh học từng bước tiến tới chủ động các loại giống vật nuôi trên địa bàn. Cùng với đó triển khai hiệu quả, linh hoạt các chính sách hỗ trợ về sản xuất, y tế, giáo dục, văn hóa, giảm nghèo sát với thực tiễn góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Đại hội Đảng bộ huyện Than Uyên lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định tập trung phát triển nông nghiệp, tạo sự phát triển mạnh mẽ ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn sớm đưa ra những giải pháp thực hiện cụ thể ngay từ đầu năm; triển khai kế hoạch sản xuất sát với tình hình thực tiễn, phù hợp với điều kiện sản xuất của huyện nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng vùng. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình, dự án và các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất; vận động người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác.
(Người dân xã Mường Cang, huyện Than Uyên phát triển chăn nuôi lợn)
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy - Trưởng Phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Than Uyên chia sẻ: “Năm 2021, Phòng tham mưu cho Huyện ủy, HĐND, UBND xây dựng, triển khai các nghị quyết của tỉnh, huyện về lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, tổng sản lượng lương thực vượt kế hoạch, diện tích lúa hàng hóa đạt 1.400ha; tốc độ tăng đàn gia súc ổn định, không còn dịch bệnh Tả Lợn Châu Phi. Phòng triển khai và được tỉnh công nhận 9 sản phẩm OCOP, hình thành chuối liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và người dân”. Toàn huyện có 4.785ha lúa, 1.940ha ngô, 216ha lạc, 226ha đậu tương. Tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện 48.990 con, gia cầm 332 nghìn con. Có 7/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới; đến nay huyện có 17 sản phẩm OCOOP. Ngoài ra, huyện vận dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở, giao thông, đến nay, toàn huyện có 100% bản có đường xe máy đi lại thuận tiện, 98,7% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, người dân được quan tâm chăm sóc sức khỏe, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,18% (theo chuẩn nghèo cũ); an ninh-quốc phòng được giữ vững.
Ông Nùng Văn Dương - Bản Hua Nà, xã Hua Nà, huyện Than Uyên tâm sự: “Được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh, huyện hỗ trợ cây trồng, vật nuôi như: lúa, cá, gà… Bản thân tôi cùng người dân trong bản nỗ lực vươn lên từng bước thoát nghèo”.
(Lãnh đạo xã Hua Nà vận động người dân trồng cây vụ đông)
Năm 2022, huyện tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, hăng hái thi đua lao động sản xuất, thực hiện mục tiêu "kép", vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Trung ương, tỉnh; tăng cường xúc tiến thương mại, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng; kêu gọi các thành phần kinh tế liên kết hợp tác đầu tư vào huyện nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Chia tay Than Uyên khi mùa xuân mới đang tràn về, trong tôi dâng tràn niềm vui hân hoan tin tưởng trước những thay đổi ở vùng đất gió nơi đây. Tin rằng, với sự đầu tư của Đảng, Nhà nước cùng hệ thống chính trị, sự nỗ lực của người dân sẽ phát huy tiềm năng nội lực bứt phá hơn nữa trở thành điểm sáng nơi cửa ngõ của tỉnh