Chị Chang Thị Nhung-Bản Đán Đăm, xã Hua Nà cho biết: “Được thăm quan mô hình trồng nho tôi thấy rất hiệu quả. Tôi mong muốn gia đình được học hỏi và làm theo. Tôi cũng rất mong muốn sẽ đc nhà nước quan tâm hướng dẫn thực hiện nhiều loại cây khác với mô hình trồng cây như thế này”.
Những năm qua, nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa khoa học kỹ thuật và sản xuất, xã Hua Nà đã thí điểm, trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: lúa séng cù, dưa bao tử, dưa hoàng kim. Tháng 10/2020, Đoàn công tác gồm lãnh đạo xã Hua Nà, Huyện đoàn đã sang Sơn La tìm hiểu, học tập kinh nghiệm 3 mô hình công nghệ cao như dâu tây, dưa lưới và nho hạ đen. Sau khi đánh giá thổ nhưỡng, khí hậu cũng như thị trường tiêu thụ, nho hạ đen chính thức bén rễ trên đồng đất của Hua Nà với 450 gốc trồng trên chân ruộng 1 vụ lúa.
Anh Đỗ Văn Tuấn- Phó Bí thư Huyện đoàn Than Uyên chia sẻ: “Khi bắt đầu mô hình, chúng tôi cũng tin tưởng rằng, nho hạ đen sẽ mang lại một giống cây trồng mới có nhiều giá trị kinh tế cũng như có khả năng phát triển đại trà trên địa bàn huyện Than Uyên. Thời gian tới huyện đoàn tiếp tục phối hợp với UBND xã Hua Nà cũng như đơn vị khác tiếp tục triển khai mô hình nho hạ đen cũng như các mô hình khác để đoàn viên, thanh niên và nhân dân phát triển kinh tế”.
Ngoài nhà giàn có mái che, toàn bộ diện tích nho còn có hệ thống tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây bảo đảm nho phát triển đồng đều. Mặc dù đảm bảo các điều kiện cần nhưng do chế độ chăm sóc chưa đảm bảo nên toàn bộ diện tích nho hạ đen mất mùa ngay ở năm đầu. Bước sang năm 2022, xã Hua Nà đã có nhiều sự đổi mới trong khâu chăm sóc. Ngoài cây nho hạ đen, hiện nay tại vườn còn có 50 gốc nho mẫu đơn và nho móng tay. Dự kiến, khi nho bắt đầu được thu hoạch, các đơn vị sẽ mở cửa để tổ chức mô hình du lịch trải nghiệm, vừa quảng bá sản phẩm, vừa tạo điều kiện cho du khách trong và ngoài tỉnh cũng như Nhân dân trên địa bàn tham quan, hái nho và chụp ảnh.
Đồng chí Lê Thị Hạnh-Chủ tịch UBND xã Hua Nà cho biết thêm: “Đối với mô hình nho hạ đen, đây là năm đầu tiên chúng tôi được thu hoạch cũng đã nhận thấy đây là loại cây trồng có giá trị kinh tế rất cao trên cùng đơn vị diện tích. Hướng thời gian tới chúng tôi cũng kết hợp mở rộng diện tích. Ngoài ra cũng triển khai đến bà con Nhân dân triển khai trên diện rộng”.
Theo tính toán của xã Hua Nà, năng suất trung bình của nho hạ đen tại vườn khoảng 1,6 tấn trên 1.000m2, giá bán dự kiến 200 nghìn đồng/1kg thì so với trồng lúa 1 vụ, giá trị kinh tế cao gấp 6 đến 8 lần. Sau khi mô hình thành công, cấp ủy, chính quyền xã cũng như tổ chức Đoàn của huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để đoàn viên, thanh niên và Nhân dân mạnh dạn đầu tư, nâng cao thu nhập. Từ đó, tạo hướng đi mới phát triển kinh tế cho người dân và hướng tới đưa nho Hạ Đen không hạt trở thành đặc sản của địa phương.