Trong những năm qua, Đảng bộ huyện luôn quan tâm lãnh đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên tất cả các lĩnh vực, nổi rõ là: Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được quan tâm triển khai thực hiện trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, cuộc vận động Toàn dân đoàn kết dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư... Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, người có uy tín, cốt cán, đoàn viên, hội viên là người dân tộc thiểu số trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tích cực xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương; đồng thời, cử cán bộ bám sát địa bàn, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số để tham mưu giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của đồng bào các dân tộc. Đặc biệt, trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng các cấp đã kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền, thuốc, thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Qua công tác tuyên truyền, vận động, ý thức tự lực, tự chủ của đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực.
Công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước được tăng cường, chính quyền các cấp triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tổ chức chuyển giao khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến cho các hộ đồng bào để nâng cao hiệu quả lao động, sản xuất; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, y tế, giáo dục - đào tạo. Để phát huy tốt hiệu quả đất sản xuất Ban Thường vụ huyện uỷ chỉ đạo tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách đầu tư, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số áp dụng mô hình, kỹ thuật tiên tiến nâng cao năng suất cây trồng, tạo nguồn thu trên đất sản xuất và ổn định cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện; nhờ đó, mặc dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống xã hội nhưng đời sống của đồng bào ổn định, không có hộ đói. Tiêu biểu như các hộ gia đình: Sản xuất làm kinh tế giỏi: Mô hình hộ gia đình ông Lìm Văn Nguyễn, bản Lả Mường, xã Mường Cang với mô hình nuôi trâu bò vỗ béo, trồng 4 ha rừng, 2 ha cỏ, mô hình đã đem lại tổng thu nhập cho gia đình 1,1 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 5-10 lao động có công việc ổn định; Mô hình gia đình ông Hờ A Páo, xã Tà Mung Mô hình nuôi gia súc, mô hình trồng tranh leo… các mô hình gương sản xuất làm kinh tế giỏi đều có thu nhập ổn định và hướng phát triển lâu dài tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương.
Hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm củng cố, kiện toàn và phát huy hiệu lực, hiệu quả; đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số của huyện cơ bản đạt chuẩn, đảm bảo về số lượng và tỷ lệ phù hợp theo quy định.
Công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được lực lượng vũ trang huyện quan tâm. Hàng năm, các đơn vị lực lượng vũ trang cấp huyện, xã đều xây dựng các phương án, kế hoạch bảo vệ an ninh trật tự, đấu tranh phòng, chống âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch; thường xuyên bám sát địa bàn, tuyên truyền, vận động đồng bào nâng cao cảnh giác, tham gia đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của các phần tử xấu, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Các mô hình “Dân vận khéo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, được xây dựng và nhân rộng ra trong vùng đồng bào dân tộc. Công tác hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào được xem là nhiệm vụ chính trị và được triển khai thường xuyên, liên tục nhằm hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào nâng cao đời sống tinh thần, vật chất, như: Tổ chức các buổi diễn văn nghệ, giao lưu, kết nghĩa, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; huy động nguồn lực sửa chữa đường liên thôn, kênh mương, trường học, nhà ở... Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19, các cán bộ, chiến sĩ luôn là lực lượng hàng đầu, có mặt “mọi lúc, mọi nơi” để hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào phòng, chống dịch.
Các hoạt động trong nội dung kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với các bản, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo chỉ đạo của Ban Thường vụ huyện ủy được duy trì thường xuyên, như: Tổ chức tập huấn, hội thảo, chuyển giao khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất lao động; hỗ trợ các bản, xã xây dựng mới, sửa chữa các công trình dân sinh, cải thiện môi trường… được các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao. Hàng năm, các cấp, các ngành, địa phương phối hợp tổ chức họp mặt chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; Tổ chức 01 chương trình gặp mặt người có uy tín, gương mẫu trong phong trào xây dựng nếp sống văn hoá vùng đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện Than Uyên năm 2022 cho 43 đại biểu tiêu biểu đại diện cho 21 thôn bản/08 xã có dân tộc Mông tham dự. Vận động 16 hộ/97 khẩu lập lại bàn thờ theo phong tục, tập quán (8 hộ/47 khẩu xoá bỏ hẳn) xoá 2 bản, 2 xã không còn tôn giáo (xã Tà Hừa, xã Mường Than).
Tổ chức thăm, tặng quà các tập thể, cá nhân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhân các dịp lễ, tết cổ truyền dân tộc …Năm 2022 trao 118 xuất quà cho 118 người có uy tín, kinh phí 86 triệu đồng, thăm hỏi 06 người uy tín ốm đau, kinh phí 4,8 triệu đồng. Thăm, tặng quà, chúc Tết các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... tổng số 418 suất quà, trị giá 407,3 triệu đồng
Khẳng định công tác dân vận đã góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện. Hệ thống kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cấp, 100% xã đã có đường ô tô nhựa hóa, bê tông hoá thông suốt đến trung tâm xã; 89,50% tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh, 97% bản, khu phố có nhà văn hoá; 99,50% hộ sử dụng điện lưới quốc gia; 99% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. Các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả được quan tâm đầu tư, nhân rộng, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Chính sách an sinh xã hội, giáo dục, y tế có nhiều chuyển biến tiến bộ; văn hóa truyền thống của các dân tộc tiếp tục được giữ gìn và phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đoàn kết giữa các dân tộc trong huyện ngày càng tốt hơn, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước.
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ban thường vụ Huyện uỷ đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm cụ thể sau: Thứ nhất, tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường đổi mới công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thứ hai, Ủy ban nhân dân huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, trọng tâm là Nghị quyết số 12/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Thứ ba, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc gắn với xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc. Thứ tư, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, cuộc vận động và hoạt động an sinh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn minh gắn với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.