Phần thứ nhất
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, ĐẢM BẢO QP-AN 9 THÁNG NĂM 2017
I. KINH TẾ
1. Sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản
UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo chăm sóc và thu hoạch cây màu vụ Đông, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ sản xuất, thu hoạch vụ Đông Xuân năm 2016 - 2017 và chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất vụ Mùa, trồng chè, trồng rừng; hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Kịp thời nắm tình hình, tháo gỡ khó khăn trong phát triển sản xuất.
1.1. Sản xuất nông nghiệp
- Trồng trọt
Tổng diện tích gieo trồng chính là 7.160,2 ha, trong đó: lúa 4.756,5 ha, ngô 1.966,5 ha, lạc 189 ha, đậu tương 248,2 ha. Cụ thể, lúa Đông Xuân thực hiện 1.866,3 ha/1.850 ha, năng suất đạt 60 tạ/ha; lúa Hè Thu thực hiện 2.612,2 ha/2.610 ha, hiện nay lúa đang trong giai đoạn làm đòng, năng suất ước đạt 47,5 tạ/ha. Một số loại cây trồng khác như: ngô, lạc, đậu tương được quan tâm gieo trồng và chăm sóc tốt([1]).
Cây chè: Tổng diện tích cây chè hiện có 403,04 ha, trồng mới năm 2017 là 190,04 ha (đã hoàn thành, đang chuẩn bị tổ chức nghiệm thu).
Tiếp tục chăm sóc 1.020 ha cây cao su đã trồng. Một số cây trồng khác như cây ăn quả, sắn, rau các loại được tiếp tục được triển khai thực hiện, duy trì cơ bản đạt và vượt kế hoạch.
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động dự báo, dự tính tình hình thời tiết, các hiện tượng khí hậu cực đoan có thể xảy ra, đưa ra các phương án, giải pháp hạn chế thiệt hại. Công tác điều tra, giám sát dịch hại trên cây trồng được thực hiện thường xuyên theo từng tuần, nắm bắt kịp thời sự phát sinh phát triển của dịch hại trên các loại cây trồng, có dự tính dự báo để chỉ đạo, tổ chức phòng trừ. Tuy nhiên do diễn biến thời tiết bất thường diện tích bị nhiễm dịch hại trong 9 tháng đầu năm là 1.124,85 ha. Trước tình hình trên UBND huyện đã chỉ đạo tổ chức phòng trừ kịp thời, cơ bản không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng.
Triển khai và theo dõi các mô hình, dự án phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi. Thực hiện cung ứng 233,5 tấn phân bón hóa học các loại, thực hiện chính sách hỗ trợ phân bón vi sinh cho trồng chè 853 tấn; Chỉ đạo kiểm tra, kiểm dịch đầy đủ trên các giống nhập nội trước khi đưa vào sản xuất, các giống được cung ứng phải đảm bảo theo yêu cầu.
- Chăn nuôi - thú y: Tổng đàn gia súc, gia cầm 267.505 con (gia súc 66.505 con, gia cầm 201.000 con). Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng chống đói rét cho vật nuôi và kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là các dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, dịch tai xanh, lở mồm long móng, khống chế kịp thời các ổ dịch không để xảy ra dịch lớn trên địa bàn.
Công tác kiểm soát giết mổ và kiểm dịch vận chuyển được tăng cường, đã kiểm soát giết mổ trên 5.000 gia súc; tổ chức kiểm tra lâm sàng, ghi nhận tình trạng vệ sinh thú y nhập vào địa bàn các loại thương phẩm từ gia súc, gia cầm, giống gia cầm, giống thủy sản. Phát hiện, xử lý 05 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực Thú y, xử lý tiêu hủy 480 kg nội tạng trâu, bò.
- Thủy sản: Tổng số lồng nuôi cá lòng hồ thủy điện hiện có 217 lồng, trong đó số lồng cá do doanh nghiệp đầu tư quản lý 134 lồng (giảm 46 lồng do đã kết thúc vụ và đã thu hoạch), số lồng cá do Trạm Khuyến nông triển khai là 83 lồng. Đến nay các lồng cá của các tổ chức, cá nhân đều được chăm sóc theo hướng dẫn kỹ thuật và phát triển ổn định không phát hiện dấu hiệu dịch bệnh.
1.2. Lâm nghiệp
Chỉ đạo chăm sóc 207 ha rừng phòng hộ năm thứ 3,4 và chăm sóc rừng trồng thay thế năm thứ 2, thứ 3. Vận động Nhân dân chuẩn bị các điều kiện và tổ chức trồng rừng theo kế hoạch, hiện nay đã trồng được 626,69 ha, đạt 125,3% kế hoạch (500 ha); công tác gieo ươm và chăm sóc cây giống phục vụ trồng rừng năm 2017 là 942.340 cây. Thực hiện chi trả và hoàn thiện hồ sơ quyết toán kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2016 với tổng diện tích đựơc 25.957,97 ha (rừng phòng hộ 12.757,46 ha, rừng sản xuất 13.200,51 ha), kinh phí 12.358.589.517 đồng. Chỉ đạo tổ chức rà soát điều chỉnh, bổ sung diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2017 với tổng diện tích 23.576 ha.
Tổ chức tuyên truyền Luật bảo vệ và phát triển rừng cho 9.867 lượt người tại 163 cuộc họp thôn, bản; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng với 1.111 hộ gia đình. Công tác quản lý bảo vệ rừng được tăng cường, phát hiện 14 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, tịch thu 9,695 m3 gỗ các loại. Chỉ đạo đôn đốc Ban Chỉ đạo PCCCR, UBND các xã, thị trấn chủ động thường trực công tác PCCCR mùa khô.
1.3. Công tác thủy lợi, phòng chống lụt bão
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra các tuyến kênh mương, đảm bảo đủ nước tưới tiêu cho cây trồng vụ Đông Xuân năm 2016 - 2017, toàn huyện có 129 công trình thủy lợi, 323 km kênh mương, tổng diện tích tưới 4.597 ha. Hướng dẫn các xã, thị trấn đăng ký triển khai danh mục đầu tư các công trình miễn thủy lợi phí, tổng diện tích miễn thu thủy lợi phí 4.338,1 ha.
Tổng kết công tác phòng chống lụt bão năm 2016, xây dựng kế hoạch công tác phòng chống lụt bão năm 2017. Chỉ đạo thường trực phòng, chống lụt bão 24/24h, triển khai diễn tập phòng chống lụt bão năm 2017 tại xã Pha Mu. Thường trực lụt bão 24/24h trong những ngày mưa bão.
2. Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới
Chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp UBND các xã lập kế hoạch và tổ chức lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các dự án thành phần theo đề án xây dựng nông thôn mới. Tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, nâng cao chất lượng các tiêu chí thuộc nhóm kinh tế và tổ chức sản xuất; thực hiện các phong trào thể dục thể thao, tham gia các hoạt động văn hóa xã hội, vệ sinh môi trường, đăng ký và triển khai các mục tiêu về văn hóa giáo dục, y tế, môi trường. Chỉ đạo các xã rà soát đánh giá lại toàn bộ các tiêu chí; đăng ký danh mục đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn giai đoạn 2017 - 2020. Đôn đốc các xã triển khai thực hiện các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng đã phân bổ vốn cho các xã. Tổ chức kiểm tra, đánh giá các chỉ tiêu nông thôn mới tại 02 xã Pha Mu, Phúc Than để đăng ký một trong hai xã phấn đấu đạt chuẩn năm 2018.
3. Tài nguyên - môi trường
Trong 9 tháng đầu năm, UBND huyện đã ban hành 48 văn bản chỉ đạo về công tác tài nguyên và môi trường. Tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch sử dụng đất năm 2017; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020). Cấp 350 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân tại các xã, thị trấn với tổng diện tích 177.233,24 m2; chỉnh lý biến động đất đai cho 355 hộ gia đình, cá nhân; thẩm định hồ sơ thu hồi đất để thi công 13 công trình với tổng diện tích 30,85 ha. UBND huyện đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại Khu 10 thị trấn Than Uyên với tổng diện tích 890 m2/06 thửa đất, số tiền trúng đấu giá 3.321,5 triệu đồng.
Đôn đốc UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, xử lý một số đơn vị vi phạm về khai thác khoáng sản. Tổ chức kiểm tra, kiểm soát khai thác khoáng sản (cát) trên địa bàn và hướng dẫn các xã quản lý việc khai thác khoáng sản theo quy định.
Tăng cường công tác tuyên truyền và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày môi trường thế giới 05/6, tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2017. Thực hiện tốt công tác thu gom rác thải, vệ sinh đô thị, kiểm tra, xử lý việc đổ rác thải không đúng nơi quy định (xảy ra tại khu 9 Thị trấn). Tổ chức kiểm tra các tổ chức, cá nhân tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường trong các hoạt động khai thác (xác nhận 65 kế hoạch đăng ký bảo vệ môi trường cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ và các dự án xây dựng).
4. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
Tổng giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ước đạt 69.296,35 triệu đồng, trong đó: công nghiệp khai thác 21.533,87 triệu đồng, công nghiệp chế biến 45.603,17 triệu đồng, sản xuất và phân phối điện nước 2.159,31 triệu đồng.
5. Tài chính - tín dụng, Thương mại - dịch vụ
Tổng thu ngân sách trên địa bàn tính đến 31/8/2017 đạt 31.069 triệu đồng (63,8% kế hoạch). Tổng chi ngân sách đạt 287.099 triệu đồng (55,8% kế hoạch), trong đó chi thường xuyên 225.335 triệu đồng.
Ước đến ngày 30/9/2017, Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT huy động vốn đạt 453 tỷ đồng, trong đó vốn dân gửi 435 tỷ đồng, tổng dư nợ tính 511 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội huy động vốn đạt 9.322 triệu đồng, trong đó huy động tiết kiệm dân cư đạt 5.661 triệu đồng; tổng dư nợ 264.693 triệu đồng, nợ quá hạn 1.100 triệu đồng. Nhìn chung hoạt động ngân hàng cơ bản ổn định.
Tổng doanh thu thương mại, dịch vụ đạt 355.784,30 triệu đồng. Tổ chức các đợt kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và bình ổn giá cả thị trường trước, trong và sau các dịp lễ, tết.
6. Xây dựng cơ bản - Quản lý đô thị
6.1. Đầu tư xây dựng cơ bản
Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát thi công các công trình trên địa bàn do huyện quản lý, đẩy nhanh tiến độ quyết toán, giải ngân các công trình.
- Năm 2017, kế hoạch vốn đầu tư 82.907 triệu đồng/73 công trình (29 công trình tiếp chi, 44 công trình khởi công mới), tính đến 31/8/2017 giải ngân 21.747 triệu đồng, đạt 26% kế hoạch, trong đó:
+ Nguồn vốn do tỉnh quản lý 11.371 triệu đồng/7 công trình (tiếp chi 01 công trình, khởi công mới 06 công trình), giải ngân được 7.404 triệu đồng đạt 65% kế hoạch.
+ Nguồn vốn do huyện quản lý 71.536 triệu đồng/66 công trình, bao gồm 32 công trình nông thôn mới (tiếp chi 28công trình, khởi công mới 38 công trình), thực hiện giải ngân được 14.343 triệu đồng đạt 20% kế hoạch.
- Kế hoạch vốn kéo dài 20.222 triệu đồng, giải ngân 9.622 triệu đồng đạt 48% kế hoạch.
- Tiến độ thực hiện: đang thực hiện 45 công trình, đã quyết toán 62 công trình, đang thẩm định hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành 50 công trình.
6.2. Quản lý đô thị
Thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, cấp phép kinh doanh, xây dựng cho 45 hộ gia đình (kinh doanh 13 hộ, xây dựng 32 hộ). Chỉ đạo lập lại trật tự đô thị (hành lang giao thông, mỹ quan đô thị…) trên địa bàn huyện; thường xuyên tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm hành lang giao thông đường bộ, đảm bảo trật tự đô thị trên địa bàn kiên quyết xử lý các sai phạm về quy hoạch đô thị, đặc biệt trường hợp lấn chiếm hành lang giao thông, đất lưu không khu vực chợ Than Uyên làm nơi kinh doanh, buôn bán. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch đánh số, gắn biển số nhà khu vực thị trấn Than Uyên.
7. Công tác tái định cư thuỷ điện Huội Quảng - Bản Chát
Tiếp tục tuyên truyền vận động Nhân dân tái định cư khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống. Tổ chức rà soát, điều chỉnh, các phương án bồi thường hỗ trợ các dự án thành phần còn đang vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu điểm tái định cư (đang thực hiện 04 dự án, trong đó: tái định cư thủy điện Huội Quảng 01 dự án/30.500 triệu đồng, tái định cư thủy điện Bản Chát 03 dự án/ 251.000 triệu đồng).
II. VĂN HÓA - XÃ HỘI
1. Giáo dục - Đào tạo
Tổ chức tổng kết năm học 2016 - 2017, chất lượng giáo dục được duy trì ổn định và từng bước được nâng lên, các chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra([2]), tỷ lệ học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi tiếp tục được duy trì. Chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện triển khai nhiệm vụ năm học mới 2017 - 2018, tuyển sinh năm học mới cơ bản đạt và vượt kế hoạch (TH: 1652/1651, THCS: 1414/1412). Thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như bồi dưỡng, tập huấn giáo viên; đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa trường lớp học, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học, cấp sách giáo khoa tới các trường, đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng được nâng lên, tỷ lệ đạt chuẩn trở lên đạt 99,6%. Hiện nay có 19/52 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác xã hội hóa giáo dục được chú trọng, vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ với nhiều hình thức khác nhau, trong đó quyên góp được trên 900 triệu đồng tiền mặt.
2. Y tế - Dân số
Công tác y tế được quan tâm, dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ và kịp thời, không để bùng phát thành dịch; vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng, tổ chức kiểm tra, giám sát đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm các bếp ăn tập thể, bếp ăn bán trú, các cơ sở kinh doanh ăn uống...([3]) trong 9 tháng đầu năm không có ca, vụ ngộ độc xảy ra.
Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chương trình MTQG về y tế, duy trì tiêm chủng thường kỳ tại 12/12 xã, thị trấn. Công tác khám chữa bệnh được thực hiện tốt ở các tuyến, tổ chức khám bệnh cho 118.164 lượt người đạt 67,91% kế hoạch([4]); kịp thời triển khai các biện pháp phòng và ứng phó với tình hình dịch bệnh; chỉ đạo xây dựng kế hoạch chủ động phòng, chống dịch sởi, tay chân miệng... Một số bệnh truyền nhiễm được phát hiện giám sát và điều trị kịp thời, không bùng phát thành dịch lớn, không có tử vong xảy ra.
Toàn huyện hiện có 13.594 hộ, 66.141 người; 113 trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên chiếm tỷ lệ 11,6% số trẻ sinh ra, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2016; Trong 9 tháng đầu năm có 47 cặp tảo hôn chiếm tỷ lệ 16,9% (giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2016) các cặp kết hôn. Chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với các ban ngành, đoàn thể huyện tuyên truyền chính sách dân số - KHHGĐ cho 19.003 lượt người/644 buổi. Triển khai thường xuyên các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ tại Trung tâm Y tế huyện và các Trạm Y tế.
3. Văn hóa - thể thao, Thông tin truyền thông
Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao nhân dịp các ngày lễ, tết vui tươi lành mạnh và tiết kiệm. Tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thông tin cổ động trực quan chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của cả nước, của tỉnh và nhiệm vụ chính trị địa phương. Công tác kiểm tra các dịch vụ văn hóa cộng đồng và cơ sở lưu trú được quan tâm chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, qua kiểm tra phát hiện đình chỉ hoạt động 05 cơ sở Intenet vi phạm, xử phạt hành chính 03 cơ sở vi phạm với số tiền là 20 triệu đồng.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia hưởng ứng (đến nay có 12.442 hộ gia đình, 160 bản, khu phố, 116 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký thi đua). Các hoạt động thể dục thể thao diễn ra sôi động, chỉ đạo hướng dẫn các xã, thị trấn tổ chức đại hội thể dục thể thao cấp cơ sở (12/12 xã, thị trấn đã tổ chức). Thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, thông tin lưu động theo kế hoạch, chú trọng tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh, của huyện đặc biệt là tuyên truyền và tổ chức thành công Ngày Hội văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Than Uyên lần thứ VI năm 2017.
Duy trì tốt công tác truyền thanh - truyền hình, tính đến 5/9/2017 thời lượng phát sóng 29.160 giờ, trong đó: Tổng số giờ phát sóng chương trình truyền hình 15.390 giờ, tổng số giờ phát sóng chương trình FM 9.180 giờ, tổng số giờ phát sóng chương trình truyền thanh 1350 giờ, cụm FM và loa truyền thanh không dây 3.240 giờ. Sản xuất và tuyên truyền được 228 chương trình tuyên truyền trên các lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của huyện.
4. Lao động, việc làm và thực hiện các chính sách xã hội
Thực hiện đảm bảo các chính sách xoá đói giảm nghèo, chính sách người có công, cứu trợ xã hội, bảo trợ trẻ em phòng chống tệ nạn xã hội. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, tặng 453 xuất quà với tổng giá trị 375,7 triệu đồng cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với Bảo hiểm xã hội huyện tiếp tục xác nhận danh sách cấp thẻ BHYT cho các đối tượng người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số được cấp thẻ BHYT năm 2017 (cấp 46.031 thẻ BHYT). Tổ chức tuyên truyền, tư vấn giới thiệu xuất khẩu lao động, hiện nay đã có 05 người đã đi xuất khẩu lao động theo hợp đồng.
Trong 9 tháng đầu năm đã mở 24 lớp với 718 học viên tham gia đạt 73% kế hoạch, trong đó: 12 lớp /378 học viên đào tạo trình độ sơ cấp, 12 lớp /340 học viên đào tạo nghề thường xuyên, 100% đối tượng học nghề là người dân tộc thiểu số. Đưa 09 đối tượng đi cai nghiện tại Trung tâm cai nghiện bắt buộc tỉnh Lai Châu, Triển khai cai nghiệm ma tuý tại gia đình và cộng đồng được 32/50 đối tượng.
Triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc góp phần ổn định dân cư, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đầu tư cơ sở hạ tầng theo Chương trình 135, dự án khởi công mới năm 2016 kéo dài sang năm 2017 là 13.807 triệu đồng/12 công trình, giải ngân 7.272 triệu đồng; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình: chính sách cấp phát báo, tạp chí theo Quyết định 59/QĐ-TTg; chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020... Thường xuyên theo dõi nắm bắt tình hình dân số theo đạo, di cư tự do trên địa bàn. Hiện nay có 1.003 khẩu/ 165 hộ theo đạo trong 13 bản trên 6 xã. Trong 9 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn huyện có 347 khẩu/145 hộ xâm canh, xâm cư (tại xã Pha Mu), UBND huyện đã chỉ đạo tổ chức kiểm tra, xử lý tình hình xâm canh, xâm cư trên địa bàn, hiện nay còn 06 khẩu/03 hộ chưa di chuyển, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo tuyên tuyền, vận động các hộ còn lại di dời khỏi địa bàn.
III. QUỐC PHÒNG, AN NINH
1. Quân sự - Quốc phòng địa phương
Duy trì nghiêm túc các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, phối hợp các lực lượng nắm chắc tình hình địa bàn, tổ chức lực lượng trực bảo vệ các ngày lễ, tết. Xây dựng kế hoạch và tổ chức củng cố lực lượng dân quân tự vệ đạt tỷ lệ 1,88% so với tổng số dân toàn huyện. Tiến hành giao nhận quân cho 105 công dân; tổ chức diễn tập ứng phó bão lũ - tìm kiếm cứu nạn tại xã Pha Mu (ngày 30/5/2017), kết quả đạt loại khá. Chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện cho xây dựng trận địa súng máy phòng không 12,7mm tại nhà máy thủy điện Bản Chát. Phối hợp tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cho đối tượng 3 và đối tượng 4. Tổ chức Đại hội thi đua quyết thắng cấp cơ sở của lực lượng vũ trang huyện Than Uyên năm 2017.
2. An ninh chính trị
Tình hình an ninh trật tự được giữ vững ổn định, không có vụ việc phức tạp xảy ra. Thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, tăng cường xuống cơ sở nắm tình hình tư tưởng quần chúng Nhân dân. Theo dõi, nắm bắt tình hình tôn giáo, di cư tự do, tuyên truyền chống luận điệu “Nhà nước Mông” tại các địa bàn có đồng bào theo tôn giáo, địa bàn di dân tái định cư. Tình hình hoạt động của tội phạm nổi lên đáng chú ý là tội phạm trộm cắp tài sản, đã xác lập và phá 01 chuyên án bắt 02 đối tượng.
Trong 9 tháng đầu năm đã bắt 15 vụ (25 đối tượng) tội phạm hình sự; phát hiện, bắt giữ 74 vụ (98 đối tượng) tàng trữ, mua bán trái phép chất ma tuý([5]); thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế - môi trường, gian lận thương mại([6]).
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn làm tốt nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, phát hiện, lập biên bản 401 trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ, tạm giữ 219 xe mô tô, 182 giấy tờ các loại, xử phạt 270 trường hợp, thu nộp Kho bạc Nhà nước 177.225.000 đồng. Trong 9 tháng đầu năm, xảy ra 04 vụ tai nạn giao thông làm 04 người chết, 01 người bị thương, 01 xe ô tô, 04 xe mô tô, 01 xe đạp hư hỏng.
Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc được đẩy mạnh, hệ thống chính trị tại cơ sở được củng cố vững chắc, đã tổ chức 104 cuộc họp với 4.250 lượt người tham gia tại các địa bàn phức tạp về an ninh trật tự.
IV. NỘI VỤ, THANH TRA, TƯ PHÁP
1. Nội vụ, quy chế dân chủ
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức bộ máy; xây dựng chính quyền; địa giới hành chính; quản lý Nhà nước về công tác hội, văn thư, công tác cán bộ và chính sách cán bộ, công tác thanh niên... được thực hiện đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật. Thực hiện luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ quản lý theo quy định; Trong 9 tháng đầu năm mở 03 lớp đào tạo bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2016 - 2021; 01 lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước chương trình chuyên viên cho cán bộ, công chức, viên chức; 01 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về công tác quản lý tài nguyên và môi trường; 02 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về công tác tôn giáo, 02 lớp bồi dưỡng tiếng Mông.
Duy trì thực hiện công tác cải cách hành chính đối với Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại UBND huyện; đôn đốc các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn nghiêm túc thực hiện công tác cải cách hành chính, cơ chế một cửa liên thông.
2. Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; thanh tra, phòng chống tham nhũng lãng phí
Công tác thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng được thực hiện theo quy định. Trong 9 tháng đầu năm, triển khai 05 cuộc thanh tra hành chính (01 cuộc đột xuất). Qua thanh tra thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền sai phạm 606,374 triệu đồng, chỉ đạo kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với 22 cá nhân/06 cơ quan, đơn vị có liên quan để xảy ra sai phạm. Chỉ đạo tổng kết 06 năm thi hành Luật thanh tra theo yêu cầu cấp trên.
Làm tốt công tác trực và tiếp công dân, nắm bắt, theo dõi chặ chẽ diễn biến tình hình khiếu nại trên địa bàn, nhất là các xã tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự. Toàn huyện đã tiếp 175 lượt công dân với 179 người, nội dung tập trung chủ yếu về đền bù đất đai, chế độ bồi thường giải phóng mặt bằng, chế độ chính sách và một số nội dung khác; tiếp nhận 141 đơn kiến nghị phản ánh, đã tiến hành giải quyết lần đầu 126 đơn, 15 đơn còn lại đang trong quá trình xem xét giải quyết.
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác phòng, chống tham nhũng([7]) đối với cán bộ, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kinh phí và biên chế được giao. Các đơn vị thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc, quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp với chế độ chính sách hiện hành, đảm bảo chi đúng, chi đủ và tiết kiệm. Thực hiện bổ nhiệm, điều động, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, công khai các thủ tục hành chính theo quy định.
3. Tư pháp
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao chất lượng phổ biến giáo dục pháp luật, từng bước nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân([8]). Triển khai có hiệu quả “Ngày pháp luật” (triển khai được 55 buổi với 4.665 lượt người tham gia). Tổ chức cấp phát tài liệu([9]) tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đầy đủ cho các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện.
Việc tuyên truyền lưu động thông qua các cuộc mít tinh, diễu hành, băng zôn, khẩu hiệu, xe thông tin lưu động, pa nô, áp phích… cũng được UBND quan tâm chỉ đạo thực hiện, trong thời gian qua các đơn vị, địa phương đã tổ chức tuyên truyền lưu động được 12 buổi, cắt dán 149 băng zôn, các đơn vị trường học cũng đã tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh hơn 40 tin, bài…
Thực hiện tốt các công tác đăng ký hộ tịch, chứng thực, hòa giải, hoạt động pháp lý và sinh hoạt câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. Trong 9 tháng đầu năm đã kiện toàn 167 tổ hòa giải với 805 tổ viên, tiến hành hòa giải 20 vụ (hòa giải thành 19 vụ, hòa giải không thành 1 vụ), phố hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tổ chức 3 buổi trợ giúp pháp lý lưu động. Xây dựng và triển khai kế Hội thi tuyên truyền viên pháp luật giỏi huyện Than Uyên; hướng dẫn UBND các xã, thị trấn triển khai cho các thôn bản, khu dân cư xây dựng hương ước, quy ước.
4. Dân vận chính quyền
Chỉ đạo đánh giá, xếp loại thực hiện dân chủ các cơ quan, đơn vị. Thực hiện Quy chế dân chủ tại các tại các cơ quan, đơn vị theo Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập và công tác dân vận chính quyền năm 2016 trên địa bàn huyện. Tiếp tục phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể, nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; thực hiện triển khai lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng hội viên, đoàn viên và các tầng lớp Nhân dân tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước.
V. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Ưu điểm
Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã sớm cụ thể hoá các chỉ tiêu kế hoạch, chủ động có nhiều giải pháp trong chỉ đạo điều hành, đã thu được nhiều kết quả quan trọng như:
Gieo cấy vụ Đông Xuân đảm bảo kế hoạch, trong khung thời vụ, trồng cây màu vụ Xuân; phòng chống dịch bệnh, đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm. kịp thời dự báo, phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, không để gây thiệt hại cho Nhân dân; công tác trồng rừng, trồng chè đúng lịch thời vụ, vượt kế hoạch đề ra. Tích cực triển khai thực hiện các giải pháp chống thất thu ngân sách, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, quyết toán các công trình xây dựng.
Chỉ đạo các ngành, các xã, thị trấn thực hiện tốt các hoạt động chào mừng các ngày lễ, tết; tổ chức tốt việc thăm hỏi tặng quà các đối tượng chính sách xã hội trong dịp tết, ngày thương binh liệt sĩ. Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng so với cùng kỳ năm trước; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được quan tâm thực hiện, công tác phòng chống dịch bệnh được chú trọng, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường kiểm soát; Lĩnh vực văn hóa, thông tin được thực hiện tốt; công tác đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được quan tâm và triển khai có hiệu quả; quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Xử lý tốt tình hình xâm canh, xâm cư diễn ra trên địa bàn, vấn đề tôn giáo được theo dõi và kiểm soát tốt.
2. Hạn chế
- Công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng ở một số địa phương còn hạn chế.
- Tuy đã triển khai thực hiện các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ cấp bách nhưng tiến độ giải ngân, quyết toán một số công trình dự án, thu ngân sách còn chậm.
- Một số phòng, ban chuyên môn chưa phát huy được vai trò tham mưu.
- Tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần của một số đơn vị trường vùng khó, vùng sâu, vùng xa thời điểm trước và sau tết Nguyên đán chưa cao; còn tình trạng học sinh bỏ học, tảo hôn, đi khỏi địa phương.
- Tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của một số xã còn chậm.
3. Nguyên nhân hạn chế
- Diễn biến thời tiết bất thường, làm ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động sản xuất của nhân dân.
- Công tác phối hợp giữa cơ quan chuyên môn và một số xã chưa chặt chẽ. Một số xã thực hiện chưa kịp thời sự chỉ đạo, khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn trong công tác bảo vệ thực vật do vậy hiệu quả phòng trừ thấp.
- Các công trình về ngân sách đang trong giai đoạn mở thầu, việc phân bổ chi tiết nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, công tác giám sát, đôn đốc các nhà thầu thực hiện một số hạng mục công trình chưa quyết liệt.
- Lãnh đạo một số ngành, một số xã chưa thực sự nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao. Công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng và sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn chưa thường xuyên, chặt chẽ. Nhận thức, trách nhiệm thực thi công vụ của một bộ phận công chức chưa cao, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.
- Trình độ nhận thức của một bộ phận nhân dân về pháp luật còn hạn chế, một số nơi người dân còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở một số lĩnh vực chưa sâu, sát. Kỹ năng tuyên truyền của cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số còn hạn chế.
Phần thứ hai
MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 3 THÁNG CUỐI NĂM 2017
Tập trung chỉ đạo rà soát, đánh giá tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2017, đề ra các giải pháp thực hiện đối với các chỉ tiêu đạt thấp so với kế hoạch; phấn đấu thực hiện đạt và vượt kế hoạch giao năm 2017.
1. Chỉ đạo hướng dẫn trồng và chăm sóc các loại cây vụ Hè Thu, Thu Đông đúng lịch thời vụ, đặc biệt sản xuất cây vụ Đông. Kịp thời dự báo, phòng chống dịch bệnh, phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi.. Tăng cường kiểm tra công tác quản lý, khai thác những công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt đang sử dụng, lập phương án sửa chữa, tu bổ kịp thời. Tổ chức trực phòng cháy chữa cháy rừng, phòng chống lụt bão 24/24.
Phân bổ, lồng ghép các nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho Nhân dân. Tiếp tục chỉ đạo xã Mường Mít tổ chức thực hiện các nội dung của các tiêu chí đã đạt và chưa đạt, tập trung vào tiêu chí môi trường, nhà ở dân cư, thành lập Hội đồng thẩm định kết quả thực hiện chương trình, lập báo cáo đánh giá trình UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới theo kế hoạch. Tổ chức kiểm tra, đánh giá các tiêu chí nông thôn mới tại 02 xã Phúc Than, Pha Mu để đăng ký xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.
Tăng cường tuyên truyền, vận động các đoàn viên, hội viên nghiên cứu, tìm hiểu các chính sách của Nhà nước, tham gia lao động, sản xuất phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ.
2. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thu, chi ngân sách, quyết toán, giải ngân các công trình dự án. Tiếp tục thực hiện các phương án hỗ trợ sản xuất, đời sống cho nhân dân tái định cư.
3. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn tiếp tục tăng cường quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường, khoáng sản; xây dựng kế hoạch sử dụng đất năm 2018.
4. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chú trọng kiểm tra hàng giả, hàng kém chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt chú trọng các dịp lễ, tết. Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm các trường hợp lấn chiếm hành lang giao thông.
5. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, chăm lo đầu tư cho phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục và trong dạy học. Duy trì bền vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục. Nâng cao tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần, huy động học sinh ra lớp. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo hướng trường chuẩn quốc gia, phấn đấu công nhận thêm 04 trường đạt chuẩn quốc gia.
6. Nâng cao chất lượng, hiệu quả của mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế; bảo đảm sự phối hợp, kết nối và lồng ghép giữa tuyến huyện và tuyến xã trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, giữa phòng bệnh và khám, chữa bệnh; giảm tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến huyện; phấn đấu các chương trình y tế cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch giao; duy trì và phấn đấu 10/12 xã, thị trấn được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế.
7. Tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng các ngày Lễ lớn của đất nước, các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, huyện. Tổ chức Đại hội thể dục thể thao huyện Than Uyên lần thứ VI năm 2017; chương trình văn nghệ kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng huyện Than Uyên (15/10/1952-15/10/2017).
8. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách người có công, cứu trợ xã hội, bảo trợ trẻ em, lao động, việc làm, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Kiểm tra công tác dạy nghề năm 2017 theo chỉ tiêu kế hoạch giao; xây dựng kế hoạch giảm nghèo, đào tạo nghề năm 2018. Thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững theo Nghị quyết 30a, chương trình 135 của Chính phủ đến người dân.
9. Duy trì, thực hiện nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, phối hợp nắm chắc tình hình địa bàn; chuẩn bị các điều kiện tổ chức diễn tập ứng phó, phòng chống cháy rừng tìm kiếm cứu nạn cho xã Phúc Than vào tháng 10/2017; đôn đốc xây dựng trận địa súng máy phòng không 12,7 ly tại nhà máy thủy điện Bản Chát. Thực hiện tốt công tác tuyển chọn công dân sẵn sàng nhập ngũ năm 2018 theo chỉ tiêu giao; tổng kết công tác quân sự quốc phòng năm 2017, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2018; tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm chào mừng 70 năm ngày thành lập lực lượng vũ trang huyện Than Uyên.
10. Tăng cường công tác nắm tình hình, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tập trung vào các địa bàn trọng điểm phức tạp có hoạt động lợi dụng tôn giáo, tuyên truyền “Nhà nước Mông”. Theo dõi sát sao, xử lý dứt điểm tình hình xâm canh, xâm cư trên địa bàn. Triển khai có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đặc biệt vào các dịp lễ, tết. Củng cố và xây dựng lực lượng công an xã, bảo vệ dân phố, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Tuyên truyền các chủ trương chính sách về dân tộc, theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị.
11. Thực hiện tốt công tác quản lý cán bộ, rà soát vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị. Mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức theo kế hoạch năm 2017. Xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức năm 2018. Hướng dẫn kiểm điểm, đánh giá xếp loại cán bộ, công chức, viên chức, tổ chức kiểm điểm, đánh giá xếp loại đơn vị, bình xét thi đua khen thưởng năm 2017. Tổ chức tổng kết, đánh giá công tác Đề án 500, tri thức trẻ 30a.
12. Duy trì tốt công tác tiếp công dân, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật đơn thư khiếu nại, tố cáo, tăng cường đối thoại trực tiếp với công dân. Tiếp tục tuyên tuyền phổ biến về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch. Làm tốt công tác dân vận chính quyền, đặc biệt là công tác dân vận chính quyền cấp cơ sở. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong cơ quan nhà nước, các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn. Tăng cường kiểm soát, rà soát việc thực hiện thủ tục hành chính, hướng dẫn kiểm tra công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, chứng thực theo luật định.
([1]) Cây ngô, gieo trồng 1.966,5 ha/1850 ha; cây lạc, gieo trồng 189 ha/180 ha; cây đậu tương, gieo trồng 248,2 ha/290 ha.
([2]) Năm học 2016 - 2017 toàn huyện có 20.404 học sinh/779 lớp học của 52 đơn vị trường, qua đánh giá chất lượng giáo dục: cấp Mầm non 100% học sinh đạt yêu cầu về chất lượng giáo dục; cấp Tiểu học 99,9% học sinh hoàn thành các môn học và hoạt động giáo dục; cấp THCS 93% học sinh đạt học lực trung bình trở lên, trong đó khá giỏi đạt 52%, tỷ lệ tốt nghiệp đạt 99,3%; cấp THPT 96,3% học sinh đạt học lực trung bình trở lên, trong đó khá giỏi đạt 42,1%, tỷ lệ tốt nghiệp đạt 99,7%.
([3]) Kiểm tra 1.157 lượt/776 cơ sở; giám sát 2.750 lượt/771 cơ. Qua kiểm tra, giám sát phát hiện 239 cơ sở vi phạm, xử lý vi phạm bằng hình thức phạt tiền 11 cơ sở, tổng số tiền xử phạt 9.250.000 đồng; tiêu hủy 51 loại sản phẩm/57 cơ sở, giá trị sản phẩm tiêu hủy khoảng 31.171.000 đồng; Đình chỉ tạm thời 01 cơ sở.
([4]) 64.545 lượt người nghèo; 18.898 lượt trẻ em dưới 6 tuổi.
([5]) Thu giữ: 260,01 gam hêrôin; 2.828,15 gam thuốc phiện; 191,03 gam hồng phiến; 121.325.000 đồng; 26 điện thoại di động; 20 xe môtô, 02 bộ bàn đèn và một số tài sản khác.
([6]) Xử phạt hành chính 15 vụ, 15 đối tượng về hành vi vi phạm lĩnh vực kinh tế môi trường, tổng số tiền phạt 46 triệu đồng.
([7]) Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện tổ chức 02 lớp bồi dưỡng cho đảng viên mới với 117 học viên tham gia. Phòng GD&ĐT huyện chỉ đạo các đơn vị trường đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy, có 14 trường THCS tuyên truyền lồng ghép trong các tiết học môn GDCD.
([8]) Cấp huyện đã triển khai 01 hội nghị tuyên truyền với 82 lượt người tham dự. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đã tuyên truyền 85 buổi với 2.490 lượt người tham gia. Các xã, thị trấn tổ chức 127 buổi với 8.177 lượt người tham dự. Các đơn vị trường học trên địa bàn huyện đã triển khai tuyên truyền được 608 buổi với tổng số 60.749 lượt giáo viên, học sinh tham gia.
([9]) Hội đồng PBGDPL huyện đã cấp phát trên 100 cuốn tài liệu tuyên truyền; các cơ quan, đơn vị, trường học, xã, thị trấn cấp phát được 6.632 tài liệu (trong đó: các cơ quan, đơn vị, trường học, xã, thị trấn 872 tài liệu; công an huyện: 5.760 tài liệu) cho cán bộ, công chức, học sinh, Nhân dân trên địa bàn huyện.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn